QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

Ngày nay, cùng với sự lớn mạnh của việc đô thị hóa là sự phát triển của những ngành công nghiệp nặng, điều này gây không ít tác động xấu đến môi trường. Chính vì thế quan trắc môi trường là hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển ngày nay.

1. Quan trắc môi trường là gì?

Tại khoản 25 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: 

Quan trắc môi trường là việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường, các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường.

QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TẠI NHÀ MÁY

Ngoài ra, tại Điều 106 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định chung về quan trắc môi trường như sau:

– Quan trắc môi trường bao gồm quan trắc chất thải và quan trắc môi trường, được thực hiện thông qua quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ, quan trắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2020, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

– Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

– Hoạt động quan trắc môi trường phải bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng, cung cấp kết quả quan trắc chính xác, tin cậy.

– Phương tiện, thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.

2. Hệ thống quan trắc môi trường

Hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:

– Quan trắc môi trường quốc gia là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới;

– Quan trắc môi trường cấp tỉnh là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực trên địa bàn;

– Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 109 Luật Bảo vệ môi trường 2020;

– Quan trắc môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

– Quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên.

Các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:

– Cơ quan quản lý nhà nước về quan trắc môi trường;

– Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường;

– Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường;

– Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường;

– Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.

Đồng thời, hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

– Phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường;

– Quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường;

– Bố trí mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia gồm định hướng các điểm, thông số, tần suất quan trắc các thành phần môi trường trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường;

– Danh mục dự án quan trắc môi trường quốc gia;

– Định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường cấp tỉnh và kết nối mạng lưới quan trắc môi trường;

– Lộ trình và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

(Điều 107 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

3. Đối tượng nào phải được quan trắc môi trường?

Thành phần môi trường phải được quan trắc bao gồm:

– Môi trường nước gồm nước mặt, nước dưới đất, nước biển;

– Môi trường không khí xung quanh;

– Môi trường đất, trầm tích;

– Đa dạng sinh học;

– Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.

Nguồn thải, chất thải, chất ô nhiễm phải được quan trắc bao gồm:

– Nước thải, khí thải;

– Chất thải công nghiệp phải kiểm soát để phân định chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật;

– Phóng xạ;

– Chất ô nhiễm khó phân hủy phát thải và tích tụ trong môi trường;

– Các chất ô nhiễm khác.

(Điều 108 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

Các bài viết liên quan

X